Cách nấu lẩu cá lăng măng chua không cầu kỳ nhưng chưa bao giờ ngưng hấp dẫn thực khách bởi hương vị quá hấp dẫn. Thịt cá dai ngọt hòa quyện với vị chua chua cay cay của nước lẩu, ăn kèm các loại rau xanh rất kích thích vị giác.
Lẩu cá lăng là món ăn rất được yêu thích bởi hương vị đậm đà
Cá lăng là loại cá da trơn, thường sinh sống ở những vùng nước chảy mạnh. Thịt cá lăng có tính bình, vị ngọt, săn chắc, ít xương, chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là omega-3. Cá lăng được chế biến thành nhiều món ăn ngon, trong đó lẩu cá lăng nấu măng chua là món lẩu được nhiều người ưa chuộng. Khám phá cách nấu lẩu cá lăng ngon để chiêu đãi gia đình, bạn bè trong những bữa tiệc sum họp qua hướng dẫn chi tiết sau.
Dinh dưỡng từ cá lăng
Cá lăng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao với omega-3, vitamin A, DHA và các khoáng chất khác. Trong 100g cá lăng cung cấp khoảng:
- 112 calo
- 4g chất béo
- 19g protein
Những lợi ích của cá lăng đối với sức khỏe có thể kể đến như:
- Giúp thanh lọc, giải độc cơ thể, là thực phẩm có tác dụng lợi tiểu.
- Thịt cá lăng chứa vitamin A giúp cải thiện sức khỏe đôi mắt, ngăn ngừa bệnh thoái hóa điểm vàng ở người lớn tuổi.
- Cá lăng có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho da, giúp làn da trở nên mịn màng, ít mụn và ngăn chặn sự lão hóa của da.
- Ăn nhiều cá lăng cũng giúp phát triển xương, làm cho xương chắc khỏe, ngăn chặn các bệnh viêm khớp.
- Omega-3 và DHA có trong cá lăng rất cần thiết cho sự phát triển não bộ ở trẻ nhỏ và giúp cải thiện trí nhớ ở người lớn tuổi.
Lẩu cá lăng ăn với rau gì?
- Khi ăn lẩu cá lăng măng chua, rau là một nguyên liệu không thể thiếu để món lẩu thêm phần thơm ngon, hấp dẫn hơn. Đặc biệt, rau chứa nhiều chất xơ giúp cơ thể thanh nhiệt, trừ nóng và giải độc. Tuy nhiên, không phải loại rau nào cũng có thể ăn kèm với lẩu cá lăng. Biết cách chọn loại rau phù hợp sẽ giúp bạn thưởng thức món lẩu ngon miệng hơn. Vậy lẩu cá lăng ăn với rau gì?
- Thông thường, khi chế biến món lẩu cá lăng, ngoài cà chua và măng chua, đầu bếp thường chuẩn bị các loại rau ăn lẩu đi kèm như: rau muống, rau nhút, rau bìm bịp, cọng súng, kèo nèo, hoa chuối, bạc hà, rau om, ngò gai,…
Các loại rau ăn kèm lẩu là một trong những yếu tố quyết định hương vị thơm ngon của món ăn
Cách nấu lẩu cá lăng chuẩn vị ngon như mẹ nấu
Nguyên liệu
- Cá lăng: 1kg
- Xương gà, xương heo: 500g
- Măng chua: 300g
- Cà chua: 300g
- Rau muống: 300g
- Rau nhút: 300g
- Trái thơm: 300g
- Đậu bắp: 200g
- Bún tươi: 500g
- Trái tắc: 200g
- Rau om: 50g
- Ngò gai: 50g
- Ớt hiểm: 50g
- Gừng: 1 củ
- Sả: 100g
- Hành tím, tỏi, tiêu
- Gia vị: đường, muối, hạt nêm, nước mắm
Nguyên liệu nấu lẩu cá
Chi tiết các bước
Sơ chế cá lăng
Cá lăng có mùi tanh đặc trưng nên công đoạn sơ chế phải thật kỹ lưỡng. Cá lăng mua về làm sạch ruột và mang cá, dùng muối chà xát lên mình cá để làm sạch nhớt, đồng thời khử bớt mùi tanh. Rửa cá lại với nước rồi để ráo.
Cắt bỏ đầu cá, dùng dao sắc lọc lấy phần thịt cá từ thân dọc theo xương sống (phi lê cá).
Phi lê lấy thịt cá
Sơ chế các nguyên liệu khác
Xương gà và xương heo rửa sạch, chần qua nước sôi trong 3 phút rồi cho vào nồi hầm lấy khoảng 2 lít nước dùng.
Măng chua rửa qua nước cho bớt chua, để ráo.
Hành tím, tỏi bóc vỏ, đập dập. Gừng cạo vỏ, rửa sạch rồi cắt sợi. Sả bóc lớp vỏ ngoài, rửa sạch, phần gốc băm nhỏ, phần thân cắt khúc. Ớt cắt lát.
Cà chua rửa sạch rồi cắt múi cau. Thơm gọt vỏ, bỏ mắt, cắt lát.
Tắc cắt đôi, bỏ hạt, vắt lấy nước cốt.
Rau om, ngò gai và các loại rau ăn lẩu đi kèm nhặt bỏ lá vàng úa, rửa sạch, để ráo nước.
Hầm xương từ 45 phút đến 1 tiếng để lấy nước dùng
Nấu lẩu
Bắc nồi lên bếp, cho vào 3 muỗng canh dầu ăn, dầu nóng bạn cho hành, tỏi, sả, gừng vào phi thơm.
Tiếp đến, cho cà chua, thơm, măng vào đảo đều rồi nêm thêm 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê đường. Bạn xào đều đến khi các nguyên liệu dậy mùi thơm thì cho nước hầm xương vào nấu.
Khi nước sôi, bạn cho nước cốt tắc vào rồi nêm nếm gia vị với hạt nêm, nước mắm sao cho vừa với khẩu vị người dùng. Đun thêm khoảng 5 phút nữa thì cho rau om, ngò gai cắt khúc và ớt cắt lát vào nồi lẩu. Lúc này, bạn hãy chỉnh lửa nhỏ để nước sôi nhẹ.
Nêm nếm gia vị nước lẩu cho vừa miệng
Trình bày và thưởng thức
Xếp tất cả các đồ ăn lên bàn, nồi lẩu để ở giữa.
Bật bếp, đun nồi nước dùng cho sôi lại rồi cho cá lăng vào nấu chín. Sau đó, lần lượt nhúng các loại rau vào rồi thưởng thức. Món lẩu cá lăng măng chua ăn kèm bún tươi là ngon nhất.
Để món lẩu thêm phần hấp dẫn, bạn nhớ chuẩn bị một chén nước mắm nguyên chất có thêm vài lát ớt để chấm cá hoặc chan vào nước lẩu cho đậm vị.
Lẩu cá lăng măng chua với hương vị chua cay vô cùng hấp dẫn
Bí quyết
Chế biến LẨU CÁ LĂNG không quá khó, nhưng để có một nồi lẩu chua cay thơm ngon và chuẩn vị bạn cần lưu lại một số bí quyết sau:
- Để lẩu cá lăng không bị tanh, lúc sơ chế bạn nên chần cá qua nước sôi có vài lát gừng trong khoảng 3 – 4 phút sẽ giúp khử mùi tanh hiệu quả.
- quá trình hầm xương, tuyệt đối không được đậy nắp nồi và thường xuyên vớt bọt để nước dùng được trong.
- Vì cá lăng thường có mùi tanh đặc trưng nên khi chế biến các món lẩu cá nói chung và lẩu cá lăng nói riêng, bạn nên cho rau om và ngò gai vào để làm át đi mùi tanh của cá.
- Ngoài măng chua, bạn có thể nấu lẩu cá lăng với cơm mẻ, dưa cải chua hay lá giang cũng rất hợp.
Rau om và ngò gai có mùi thơm mát, rất thích hợp để ăn cùng các món lẩu cá. Ảnh: Internet
Vậy là bạn vừa hoàn thành xong cách nấu lẩu cá lăng măng chua chỉ với 4 bước đơn giản. Tận hưởng cảm giác ngồi bên nồi lẩu nóng hổi, tỏa hương thơm phức, cắn một miếng cá dai mềm, ngọt thịt, ăn kèm rau xanh mát, tươi giòn chắc chắn bạn sẽ bị món ăn này chinh phục hoàn toàn.
Nếu muốn biết thêm nhiều công thức nấu các món lẩu hấp dẫn khác để làm phong phú bữa ăn gia đình hay mở quán kinh doanh thu hút khách, hãy đăng ký ngay lớp Chuyên đề Lẩu của DTBTAAu. Bạn sẽ được cung cấp nhiều bí quyết và kỹ thuật nấu lẩu chuyên nghiệp từ các Bếp trưởng giàu kinh nghiệm. Điền vào form bên dưới hoặc gọi đến tổng đài 1800 6148 (miễn phí cước gọi) để nhận thông tin chi tiết về khóa học.
Ý kiến của bạn