Là một trong những ngành nghề hot nhất hiện nay, nghề đầu bếp thu hút sự quan tâm của giới trẻ bởi cơ hội việc làm rộng mở cùng mức thu nhập lý tưởng. Thế nhưng, bên cạnh những niềm vui, vinh quang khi làm việc, nghề đầu bếp cũng có những khó khăn, vất vả không phải ai cũng biết, vì thế mà không ít các bạn trẻ theo nghề rồi lại cảm thấy lao đao rồi bỏ cuộc giữa chừng.
Nghề đầu bếp thật nhiều niềm vui…
Người ta thường ví von rằng nấu ăn là một nghệ thuật và đầu bếp là người nghệ sĩ”, cái nghệ thuật ấy không chỉ là một công việc của xã hội, một vẻ đẹp tô điểm cho đời mà còn là một công việc thiết thực và ý nghĩa. Ăn uống là nhu cầu thiết yếu của con người, bạn có thể không đi chơi, không đi học, không chơi game, không mua sắm quần áo… bạn vẫn sống nhưng nếu không ăn thì nhất định sẽ chết. Nếu trước đây, người ta chỉ cần ăn no, mặc đẹp thì ngày nay lại phải ăn no, ăn ngon, ăn sạch và ăn nhiều chất dinh dưỡng. Để làm được điều đó cần có đôi bàn tay tài hoa của những người đầu bếp chuyên nghiệp.
Người đầu bếp có thể sáng tạo ra rất nhiều món ăn ngon
Là một đầu bếp, bạn có thể nấu cho gia đình những bữa ăn ngon lại vừa có thể nấu ăn để phục vụ người khác. Mỗi khi được thực khách khen ngợi và cảm ơn, bất kỳ đầu bếp nào cũng sẽ thấy cực kỳ hạnh phúc, đó cũng chính là động lực tiếp thêm sức mạnh để vượt qua chông gai của nghề.
Nếu trước đây công việc của một đầu bếp thường khá nhàm chán thì nay lại không. Ngoài việc chế biến, sáng tạo những món ăn ngon – độc – lạ, các đầu bếp kinh nghiệm còn có thêm nhiều nghề tay trái như tư vấn dinh dưỡng, dạy nấu ăn cho các đầu bếp trẻ hoặc chị em nội trợ, tham gia các cuộc thi lớn nhỏ như: Vua đầu bếp, Siêu đầu bếp, Chiếc thìa vàng…. làm giám khảo các cuộc thi nghề bếp, mở quán kinh doanh, viết blog ẩm thực… Mỗi công việc không chỉ đem lại nhiều vui tinh thần mà còn là sự nổi tiếng, thu nhập cao cho các đầu bếp chuyên nghiệp.
Nghề đầu bếp đem lại nhiều niềm vui và mức thu nhập lý tưởng
… nhưng cũng lắm nhọc nhằn
Nghề đầu bếp có mức lương nhìn chung tương đối cao so với các ngành nghề khác, lương của một đầu bếp chuyên nghiệp sẽ từ 8 – 15 triệu đồng/tháng và có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng tùy vào năng lực, kinh nghiệm, vị trí và địa điểm làm việc.
Để trở thành một đầu bếp, bạn phải trải qua 3 – 6 tháng học nghề rồi đi làm phụ bếp với những công việc cơ bản như dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị nguyên liệu, dọn rửa dụng cụ… để học hỏi kinh nghiệm rồi mới có cơ hội đảm nhiệm các vị trí cao hơn. Quá trình học nghề và làm nghề rất vất vả khi phải thường xuyên tiếp xúc với dao kéo, khói lửa, mùi vị thực phẩm, món ăn… Bạn phải thức khuya dậy sớm để đi làm, thậm chí ở các nhà hàng phục vụ 24/24, các đầu bếp phải thay ca nhau để nấu ăn cho khách. Các công việc nấu nướng mang tính đặc thù, đầu bếp phải đứng hoàn toàn trong giờ làm, chỉ được ngồi khi cần nghỉ ngơi hoặc đi vệ sinh, uống nước.
Chân tay vất vả là thế nhưng các đầu bếp còn phải chịu áp lực tinh thần rất lớn khi làm việc, đó là áp lực thời gian khi chế biến món ăn cho khách, áp lực khi thức ăn bị chê không ngon, áp lực cạnh tranh với các nhà hàng khác, áp lực doanh thu, áp lực đến từ các cấp quản lý … nếu không rèn luyện bản lĩnh để đương đầu thì rất dễ sinh ra chán nản, bỏ cuộc.
Nghề bếp cũng như những ngành nghề khác, luôn có hai mặt ưu điểm và nhược điểm. Bên cạnh những niềm vui trong công việc, nghề đầu bếp cũng tồn tại rất nhiều khó khăn thử thách. Để theo nghề và gắn bó với nghề, bạn cần tìm hiểu kỹ những ưu – nhược điểm để có sự chuẩn bị tốt nhất trên con đường trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp.
Ý kiến của bạn