Mâm ngũ quả ngày tết: Ý nghĩa, cách trình bày và sai lầm cần tránh

Bởi Lan Anh
google-news

Mỗi dịp Tết đến xuân về, trên bàn thờ mỗi gia đình Việt đều xuất hiện mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả gồm những gì, ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết, cách bài trí mâm ngũ quả đẹp mắt sẽ được chia sẻ đến bạn qua bài viết sau đây.

mâm ngũ quả ngày tết
Mâm ngũ quả ngày Tết mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp (Ảnh: Internet)

Ý nghĩa của mâm ngũ quả trong ngày tết

Từ lâu, mâm ngũ quả đã trở thành một phần không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam. Đặt mâm ngũ quả lên bàn thờ thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, bày tỏ lòng thành kính đối với các bậc tổ tiên. Mâm ngũ quả cũng tượng trưng cho thành quả lao động cả năm của con cháu dâng lên các bậc bề trên.

Dù mỗi miền có cách lựa chọn và bày trí mâm ngũ quả khác nhau, mâm ngũ quả dâng cúng trong đêm Giao thừa vẫn mang ý nghĩa chung: dâng lên tổ tiên những loại quả ngon để thể hiện lòng hiếu thảo và ước muốn những điều tốt đẹp, vạn sự bình an sẽ đến với gia đình. Mâm ngũ quả ngày Tết còn tượng trưng cho mong muốn âm dương hòa hợp, vạn vật sinh sôi nảy nở và phát triển.

cách bày mâm ngũ quả ngày tết
Mâm ngũ quả tượng trưng cho mong muốn cuộc sống đủ đầy, bình an (Ảnh: Internet)

Ý nghĩa các loại quả trong mâm ngũ quả ngày Tết

Mâm ngũ quả có nguồn gốc từ đạo Phật, được nhắc đến trong kinh Ullambana Sutra với hình ảnh “trái cây năm màu”. Mâm ngũ quả thường có khoảng 5 loại trái cây với màu sắc khác nhau. Trong tâm thức người Việt, “ngũ” thể hiện ước muốn đạt được ngũ phúc lâm môn: phú (giàu), quý (sang), thọ (sống lâu), khang (mạnh khỏe) và ninh (bình an).

Theo quan niệm của Phật giáo, 5 màu tượng trưng cho “ngũ thiện căn” là tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt). Theo đó, các loại quả được bày trên mâm ngũ quả ngày Tết cũng mang những ý nghĩa nhất định, chẳng hạn như:

  • Bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn năm mới đầy ngọt ngào, may mắn.
  • Hồng, quýt: rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt.
  • Lê (hay mật phụ): ngọt, thanh ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.
  • Lựu: nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.
  • Đào: thể hiện sự thăng tiến.
  • Mai: con gái phải có chồng, hạnh phúc, không cô đơn.
  • Táo (loại trái to màu đỏ tươi): mang ý nghĩa phú quý.
  • Thanh long: ý rồng mây gặp hội.
  • Quả trứng gà có hình trái đào tiên: lộc trời.
  • Dừa: có âm tương tự như là “vừa”, có nghĩa là không thiếu.
  • Sung: gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc.
  • Đu đủ: mang đến sự đầy đủ, thịnh vượng.
  • Xoài: có âm na ná như là “xài”, để cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn.

Cách bày mâm ngũ quả theo 3 miền Bắc – Trung – Nam

Tùy theo quan niệm và phong tục tập quán mà ở mỗi miền lại có cách bày mâm ngũ quả khác nhau.

Mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc

Mâm ngũ quả miền Bắc được bày theo thuyết ngũ hành ứng với 5 màu là kim (trắng), mộc (xanh), thủy (đen), hỏa (đỏ), thổ (vàng). Do đó mà mâm ngũ quả của người miền Bắc thường có 5 loại quả là chuối, bưởi, đào, hồng và quýt.

Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc truyền thống là để nải chuối ở dưới cùng, đỡ lấy toàn bộ các loại quả còn lại. Ở chính giữa đặt quả bưởi hoặc phật thủ vàng, các loại quả khác như đào, hồng, quýt thì bày xung quanh còn những chỗ trống có thể đặt xen kẽ quất, táo xanh hoặc ớt chín đỏ.

mâm ngũ quả ngày tết 2020
Mâm ngũ quả miền Bắc được bày theo thuyết ngũ hành (Ảnh: Internet)

Mâm ngũ quả ngày Tết miền Trung

Miền Trung là mảnh đất cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt nên không có nhiều loại quả đa dạng. Do đó vào dịp Tết Nguyên Đán, mâm ngũ quả của người miền Trung thường không câu nệ hình thức, có gì cúng nấy do chủ yếu là thành ý dâng cúng tổ tiên.

Các loại quả thường thấy trong mâm ngũ quả miền Trung là thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dứa, sung, cam, quýt, … Mâm ngũ quả thường được xếp hình tháp hoặc hình long phụng với cặp dưa đặt hai bên. Ngoài ra còn có thể xếp thêm nhiều loại hoa quả khác bên cạnh.

Mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam

Khác với miền Bắc có quan niệm các loại quả đều có thể bày lên mâm, miễn sao ngâm ngũ quả trông đẹp mắt là được, kể cả bày ớt cay nóng; thì mâm ngũ quả miền Nam lại có sự chọn lọc và kiêng cữ. Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì người miền Nam cho rằng chuối có âm đọc chệch nghe giống từ “chúi”, thể hiện sự đi xuống, không ngẩng lên được.

cách bày mâm ngũ quả đơn giản
Mâm ngũ quả của người miền Nam có sự chọn lọc và kiêng cữ (Ảnh: Internet)

Người Nam cũng không trưng quả cam bởi câu “quýt làm cam chịu”. Mâm ngũ quả của người Nam thường có các loại quả mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài, … là những loại quả có âm khi đọc chệch nghe như câu “cầu sung vừa đủ xài”, thể hiện ước mong năm mới đủ đầy, sung túc. Ngoài ra, mâm ngũ quả miền Nam còn có thêm quả thơm với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh để cầu may mắn.

Cách trình bày mâm ngũ quả miền Nam phổ biến là đặt đu đủ, dừa, xoài lên mâm trước để lấy thế do ba loại quả này có hình dáng to và trọng lượng nặng, sau đó bày những loại quả khác lên trên, tạo thành hình dáng ngọn tháp.

Một số sai lầm cần tránh khi bày mâm ngũ quả

Chưa hiểu đúng về ý nghĩa mâm ngũ quả

Trong quan niệm văn hóa phương Đông, số 5 ứng với thuyết ngũ hành – 5 yếu tố tạo nên sự sống trong vũ trụ. Mâm ngũ quả với 5 loại quả khác nhau cũng tương thích với thuyết ngũ hành này, mang ý nghĩa cầu mong sự sinh sôi, nảy nở, may mắn và tài lộc sẽ đến gia chủ. Bạn cần hiểu về thuyết ngũ hành để khi bài trí mâm ngũ quả tránh mắc phải những lỗi như không bày đủ 5 màu theo ngũ hành, hoặc tổ hợp trái cây không mang ý nghĩa.

Bạn có thể tham khảo cách chọn quả theo màu như sau:

  • Kim – màu trắng: Dưa lê trắng, lê trắng…
  • Mộc – màu xanh lá: Dưa hấu, chuối xanh, xoài xanh, đu đủ xanh, mãng cầu, trái na, trái sung, trái dừa…
  • Thủy – màu đen: Nho đen, vú sữa hay những trái cây có màu sậm tối
  • Hỏa – màu đỏ: Táo đỏ, trái hồng, trái dừa lửa, thanh long…
  • Thổ – màu vàng: Cam vàng, quýt vàng, dưa hấu vàng, dưa lê vàng, xoài chín, phật thủ

Rửa quả cho sạch để bày

Một số người thường rửa trái cây cẩn thận để quả bóng, đẹp khi chưng lên mâm. Tuy nhiên việc rửa quả sẽ làm quả nhanh bị héo, thối rữa nếu có chỗ đọng nước. Do đó bạn chỉ cần dùng khăn giấy ẩm lau sạch trái cây là được. Với bưởi, bạn có thể hòa chút nước vôi, thấm vào khăn rồi lau đều lên vỏ bưởi để tránh tình trạng vỏ bị ố vàng, mốc xanh hoặc bị héo do đọng nước.

ý nghĩa mâm ngũ quả
Để có mâm ngũ quả đẹp vào ngày Tết, bạn nên chọn những quả chưa chín hẳn (Ảnh: Internet)

Lựa chọn quả chín

Nhiều gia đình có thói quen mua sắm đồ Tết sớm từ ngày 27 – 28 Tết, thậm chí sớm hơn. Trong khi mâm ngũ quả chỉ dâng lên bàn thờ vào đêm 30 Tết. Do đó bạn không nên chọn ngay những quả đã chín đẹp vì khi bày mâm ngũ quả, trái cây có thể bị chín quá, lá héo và vỏ nhũn mềm. Thay vào đó bạn nên lựa những quả già nhưng chưa chín hẳn để khi bày mâm ngũ quả, quả chín tới và không bị thối.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết đã được thay đổi rất nhiều, mang ý nghĩa trang trí cho không gian xuân nhiều hơn là tâm linh. Hình thức cũng không cỏn câu nệ, cứng nhắc là bắt buộc phải có 5 quả, thay vào đó có thể bày đến 8, 9 hay thậm chí 10 quả, không kén chọn số chẵn hay lẻ. Dù trái cây phong phú, đa dạng, mâm ngũ quả vẫn giữ vẹn nguyên ý nghĩa thể hiện lòng hiếu thảo đối với ông bà, tổ tiên của mình.

Đừng quên theo dõi những bài viết của Đào Tạo Bếp Trưởng Á Âu để luôn được cập nhật những thông tin bổ ích nhé.

Mời bạn đánh giá bài viết để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn!

Điểm: 4.51 (36 bình chọn)

Tác giả: Anh Lan

Lan Anh là một đầu bếp gia đình được truyền cảm hứng nấu nướng từ mẹ. Cô yêu thích ẩm thực, các món ăn Việt Nam. Mong muốn giữ gìn bản sắc hương vị của đồ ăn Việt, các món ăn truyền thống của người Việt và muốn quảng bá nền ẩm thực Việt Nam ra thế giới.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn